#Binhdanggioi #2022 Rào cản đối với người lao động nữ trong việc tiếp cận cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp
Rào cản đối với người lao động nữ trong việc tiếp cận cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp
Nguyễn Tuấn Anh – Phước và Các Cộng Sự
Bình đẳng giới tại nơi làm việc vẫn luôn là một vấn đề nhận được sự quan tâm của xã hội. Có thể thấy, trong những năm vừa qua đã có những thay đổi rõ rệt về tỉ lệ người lao động nữ giữ các vị trí cao tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy hiện nay vẫn còn tồn tại một số định kiến, rào cản đối với lao động nữ trên chặng đường phát triển sự nghiệp nói chung và nắm giữ các vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp nói riêng.
Sự gia tăng trong tỷ lệ người lao động nữ giữ các vị trí cao tại doanh nghiệp
Trong những năm qua, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã ban hành nhiều chính sách, văn bản có liên quan đến bình đẳng giới tại nơi làm việc, trong đó nổi bật nhất là Luật Bình đẳng giới năm 2006. Những chính sách này đã mang đến những hiệu ứng tích cực trong việc góp phần hỗ trợ người lao động nữ được tự do tiếp cận với các cơ hội nghề nghiệp nói chung và giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp nói riêng. Nghiên cứu của Grant Thornton International năm 2021 cho thấy Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong tỉ lệ phụ nữ giữ vị trí Giám đốc điều hành với mức tăng từ 7% lên 20% vào năm 2021 (xếp thứ 7 trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương), tỷ lệ nữ Giám đốc điều hành (CEO) tăng từ 20% lên 26%, nữ Giám đốc tài chính (CFO) cũng tăng 6% lên 36% và nữ Giám đốc vận hành (COO) tăng 18% lên 22%.
Những số liệu nêu trên đã thể hiện việc các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới tại nơi làm việc, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nữ tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp tại nơi làm việc. Tuy nhiên, số liệu nêu trên cũng phản ánh tỷ lệ lao động nam giới giữ các vị trí cao tại doanh nghiệp vẫn có phần nhiều hơn đáng kể so với lao động nữ giới. Điều này đã phần nào thể hiện việc người sử dụng lao động vẫn có sự ưu tiên nhất định về giới tính khi đề bạt người lao động vào các chức vụ quản lý tại doanh nghiệp.
Những trở ngại trong việc tiếp cận các cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của người lao động nữ
Thực tế cho thấy, người lao động nữ gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình tiếp cận các cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp do nhiều yếu tố khác nhau mà chủ yếu đến từ những quan điểm, định kiến có phần sai lầm từ người sử dụng lao động.
Theo đó, không ít người sử dụng lao động có xu hướng ưu tiên đề bạt những lao động nam giới vào các vị trí cấp cao tại doanh nghiệp so với người lao động nữ giới nếu hai ứng cử viên có kinh nghiệm và năng lực tương đương nhau. Bởi lẽ, họ có định kiến rằng lao động nam giới chăm chỉ và bền bỉ hơn lao động nữ với thời gian làm việc mỗi ngày có thể kéo dài hơn, hoặc có thể làm ngoài giờ vào cuối tuần hoặc có thể chất lẫn tâm lý cho công việc tốt hơn nữ, chịu đựng được nhiều áp lực, căng thẳng và cảm xúc tiêu cực hơn; có nhiều tham vọng để theo đuổi mục tiêu sự nghiệp và địa vị cao hơn nữ.
Bên cạnh đó, một số người sử dụng lao động lại quan ngại rằng khi người lao động nữ giữ các vị trí cao trong doanh nghiệp nghỉ chế độ nghỉ thai sản hoặc nghỉ việc sau khi sinh con để chăm sóc cho gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành công việc tại doanh nghiệp nói chung và những công việc thuộc về trách nhiệm của người lao động nói riêng. Ngoài ra, văn hóa rượu bia tại nước ta cũng là một vấn đề nhức nhói gây ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp của người lao động nữ. Theo đó, ngoài các vấn đề về công việc chuyên môn, những vị trí cao trong doanh nghiệp phần nào đòi hỏi những người nắm giữ các vị trí này cần tham gia các buổi tiệc giao lưu nội bộ, tiệc mở rộng mối quan hệ, tiếp xúc với khách hàng. Do đó, người sử dụng lao động cũng thường có định kiến rằng người lao động nam sẽ có dễ dàng thực hiện những công việc ngoài phạm vi chuyên môn hơn là những người lao động nữ, những người lao động phải hoàn thành vai trò người mẹ, người vợ, làm các công việc nội trợ và chăm sóc các thành viên trong gia đình.
Quá trình vận hành của xã hội và thực tiễn đã chứng minh những quan điểm, định kiến nêu trên là không có cơ sở và cần được phá bỏ triệt để tạo nơi một nơi làm việc bình đẳng. Bởi lẽ, những cuộc nghiên cứu về năng suất lao động giữa nam giới và nữ giới đã chứng minh người lao động nữ động nữ cũng làm việc chăm chỉ, đầy tham vọng, đồng thời cũng đã đạt được thành tích trong công việc tương đương với nam giới. Sức ảnh hưởng của phụ nữ đến các doanh nghiệp đang ngày càng rõ rệt thể hiện qua việc ngày càng có nhiều lãnh đạo là nữ giới và nữ giới đang trở thành một trong những lực lượng mạnh mẽ nhất có thể phá vỡ hay tạo nên thành công của một doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần làm gì để phá vỡ các rào cản xuất phát từ vấn đề bất bình đẳng giới tại doanh nghiệp
Một báo cáo năm 2015 từ McKinsey ước tính rằng việc gia tăng bình đẳng giới tại nơi làm việc có thể tăng thêm 12 nghìn tỷ đô la cho tăng trưởng toàn cầu. Do đó, phá vỡ các rào cản xuất phát từ vấn đề bất bình đẳng giới tại doanh nghiệp nhằm tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng về cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp cho người lao động nữ sẽ là tiền để và nền tảng cho người sử dụng lao động. Theo đó, doanh nghiệp có thể cân nhắc thực hiện một số biện pháp phá bỏ tạo nên một môi trường lao động bình đẳng cho lao động nữ giới và lao động nam giới như:
– Các doanh nghiệp cần minh bạch về các chính sách liên quan đến đánh giá năng lực và chính sách thăng tiến trong doanh nghiệp.
– Thay đổi các định kiến cố hữu về tiêu chuẩn trong đánh giá về khả năng hoàn thành công việc của người lao động nữ.
– Các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp phải luôn dựa trên hiệu suất làm việc của người lao động chứ không dựa trên giới tính.
– Chủ động giải quyết những khó khăn mà người lao động nữ thường gặp trong quá trình thực hiện công việc.
Tóm lại, mặc dù tỷ lệ người lao động nữ giữa các vị trí cao tại các doanh nghiệp đã có một số thay đổi sâu rộng theo thời gian, nhưng để đạt được mục tiêu bình đẳng giới tại nơi làm việc, các doanh nghiệp tiếp tục phá vỡ những rào cản và những định kiến về của người lao động nữ, đẩy mạnh và nỗ lực hơn nữa để đưa mục tiêu bình đẳng giới tại nơi làm việc trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng cần lưu tâm rằng bình đẳng thực sự không thể đạt được chỉ đơn giản bằng cách tăng số lượng phụ nữ tại nơi làm việc, mà cần phải thúc đẩy những người lao động nữ có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tương xứng với trình độ và kinh nghiệm của mình. Phát triển quyền năng kinh tế của phụ nữ và bình đẳng giới ở nơi làm việc sẽ là đòn bẩy giúp duy trì sự phát triển bền vững và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.