Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Bảo Vệ Quyền Lợi của Doanh Nghiệp Trong Hợp Đồng Vay và Cho Vay

hop-dong-vay

Bảo Vệ Quyền Lợi của Doanh Nghiệp Trong Hợp Đồng Vay và Cho Vay

Kinh tế thị trường ngày càng phát triển không chỉ đưa đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mà còn tạo ra không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề về vay vốn tài chính. Vay vốn là một công cụ tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tăng cường vốn lưu động, tối ưu hóa cơ hội kinh doanh và mở rộng quy mô sản xuất.

Việc vay và cho vay không chỉ mang lại nguồn lực tài chính kịp thời mà còn giúp doanh nghiệp tận dụng đòn bẩy tài chính để gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ ràng, hoạt động vay và cho vay cũng ẩn chứa nhiều rủi ro pháp lý nếu không được quản lý và điều chỉnh một cách cẩn trọng. Bài viết Bảo Vệ Quyền Lợi của Doanh Nghiệp Trong Hợp Đồng Vay và Cho Vay sẽ cung cấp cho bạn đọc tổng quan về hợp đồng vay và cho vay và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong các hợp đồng vay và cho vay.

  1. Tổng quan về hợp đồng vay tài sản

1.1. Định nghĩa hợp đồng vay tài sản

Căn cứ Điều 463 Bộ Luật Dân sự 2015 “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Theo đó, hợp đồng vay tài sản là một dạng hợp đồng trong dân sự, thể hiện sự thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay. Thông qua sự thỏa thuận này, các bên cam kết với nhau về việc giao nhận và hoàn trả tài sản, cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên mà trong đó không có sự tham gia của tổ chức tín dụng.

1.2. Đặc điểm của hợp đồng vay tài sản

(i) Đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Theo định nghĩa tại Bộ Luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản và bao gồm động sản và bất động sản. Mà đối tượng của hợp đồng vay tài sản là các loại tài sản được bên cho vay giao cho bên vay và sau đó bên vay phải hoàn trả lại tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng. Như vậy, không phải tài sản nào cũng là đối tượng điều chỉnh của hợp đồng vay tài sản. Bởi đối tượng của hợp đồng vay tài sản phải là tài sản có tính thay thế và xác định được, nghĩa là tài sản vay phải được xác định rõ ràng về giá trị, số lượng, chất lượng, loại hình và các đặc điểm khác để tránh tranh chấp về sau và có thể được thay thế bằng một tài sản khác cùng loại, cùng chất lượng.

Trên thực tế, một trong những loại tài sản được vay và cho vay phổ biến nhất giữa các doanh nghiệp/cá nhân với nhau là tiền, hay còn được gọi là vốn vay. Vốn vay đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Ngoài tiền, các loại tài sản khác như hàng hóa, máy móc và thiết bị  cũng có thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, tùy thuộc vào nhu cầu và thỏa thuận giữa các bên. Đôi khi đối tượng vay có thể là tài sản vô hình như cổ phiếu, quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm, vv. Tuy nhiên, việc vay tài sản vô hình thường ít phổ biến hơn và có thể phức tạp hơn do khó khăn trong việc xác định giá trị và chất lượng tài sản.

(ii) Hình thức của hợp đồng vay tài sản. Theo quy định tại Điều 119 Bộ Luật Dân sự 2015, các bên tham gia hợp đồng có thể chọn hình thức giao kết bằng miệng, bằng văn bản, bằng hành vi hoặc thông qua thông điệp dữ liệu. Điều này có nghĩa là hợp đồng vay tài sản cũng có thể được thực hiện dưới các hình thức này, tùy thuộc vào sự thỏa thuận và điều kiện thực tế của các bên liên quan. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ tranh chấp, các bên nên ưu tiên lựa chọn hình thức bằng văn bản. Hình thức hợp đồng miệng thường chỉ nên áp dụng trong trường hợp giá trị tài sản vay nhỏ hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân thiết. Khi xảy ra tranh chấp, các hợp đồng vay tài sản bằng miệng thường khó chứng minh và xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên, dẫn đến việc giải quyết tranh chấp trở nên phức tạp hơn.

(iii) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản.

  • Bên cho vay. Phụ thuộc vào từng loại hợp đồng vay tài sản, bên cho vay sẽ có các quyền và nghĩa vụ tương ứng theo quy định pháp luật.

Đối với hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn. Căn cứ Điều 469.1 Bộ Luật Dân sự 2015 bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả tài sản và tiền lãi nếu có thoả thuận (tiền lãi được tính đến thời điểm bên cho vay nhận lại tài sản) vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên vay trước một thời hạn hợp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Đối với hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn. Khi hết kỳ hạn của hợp đồng, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải trả tài sản đã cho vay, bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn nếu được bên vay đồng ý. Ngoài ra, nếu các bên có thoả thuận về lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi như thoả thuận.

Bất kể loại hợp đồng vay tài sản, bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng, chủng loại như thoả thuận cho bên vay. Nếu bên cho vay có ý lừa dối bên vay chuyển giao tài sản không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho bên vay thì phải bồi thường.

  • Bên vay. Là người cần đến sự giúp đỡ về vật chất của bên cho vay. Do vậy, bên vay phải tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình phát sinh từ hợp đồng đã ký kết. Bên vay phải trả đủ tiền hoặc tài sản đã vay và tiền lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Nếu đối tượng hợp đồng là tài sản thì bên vay phải trả bằng tài sản cùng loại.

Nếu hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, khi bên cho vay yêu cầu trả nợ thì bên vay phải thực thực hiện hợp đồng trong thời gian thoả thuận. Bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.

Nếu hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn mà bên vay trả nợ trước thời hạn thì phải trả toàn bộ nợ gốc và lãi của cả thời hạn vay trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Bởi vì khi cho vay, bên cho vay đã xác định trong thời gian cho vay đó không sử dụng tài sản, tiền vào mục đích khác, do vậy khi trả lại tài sản thì bên cho vay chưa có kế hoạch sử dụng tài sản đó. Hay nói cách khác bên cho vay sẽ bị động khi bên vay trả tài sản trước thời hạn (Điều 470.2 Bộ Luật Dân sự 2015).

Trường hợp các bên có thoả thuận về mục đích vay, bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản của bên vay có đúng mục đích như thoả thuận hay không. Nếu sử dụng tài sản không đúng mục đích đã thoả thuận, bên cho vay có quyền huỷ hợp đồng (Điều 467 Bộ Luật Dân sự 2015).

(iv) Lãi suất. Cần lưu ý rằng lãi suất trong hợp đồng vay tài sản chỉ được áp dụng khi có sự thỏa thuận rõ ràng giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là nếu không có sự thỏa thuận hoặc quy định pháp luật về lãi suất, thì bên vay có thể không phải trả lãi suất.Trong trường hợp có thỏa thuận về lãi suất, bên cho vay và bên vay cần lưu ý về lãi suất giới hạn là 20%/năm theo Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015. Nếu các bên thỏa thuận lãi suất vượt quá mức này, phần vượt quá sẽ không có hiệu lực, trừ khi có quy định khác từ các luật liên quan. Điều này bảo vệ bên vay khỏi việc bị áp đặt lãi suất quá cao. Ngoài ra, Bộ Luật Dân sự 2015 còn quy định về lãi suất quá hạn (Điều 466.5 (b)) và lãi suất chậm trả (Điều 468.2) để bảo vệ bên cho vay nếu bên vay không trả nợ đúng hạn.

  1. Các biện pháp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong hợp đồng vay tài sản

2.1. Rà soát điều khoản để kiểm tra tính hợp pháp, chặt chẽ, minh bạch của hợp đồng vay tài sản

(i) Điều khoản về tài sản cho vay và tài sản thế chấp (nếu có). Khi xem xét đến điều khoản này, không thể không nhắc đến quyền sở hữu đối với tài sản, bởi lẽ trong trường hợp các bên tiến hành ký kết hợp đồng vay tài sản mà bên cho vay không có quyền sở hữu đối với tài sản cho vay nói trên sẽ phát sinh đến việc hợp đồng vay tài sản bị vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được. Do đó, việc đầu tiên các bên cần làm là kiểm tra tính hợp pháp, quyền sở hữu đối với tài sản cho vay, tài sản thế chấp đặc biệt là giấy chứng nhận sở hữu đối với tài sản cần đăng ký quyền sở hữu.

Ngoài ra, “bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng”, nên điều khoản về tài sản vay cần mô tả rõ ràng loại tài sản cho vay, ghi rõ số lượng và giá trị của tài sản, chất lượng và tình trạng. Chẳng hạn như đối với tiền thì cần nêu rõ chính xác số tiền, đối với các loại tài sản như thiết bị, máy móc thì có thể ước tính giá trị thị trường hiện tại và mô tả chất lượng và tình trạng của tài sản tại thời điểm cho vay, kèm theo các chứng từ, biên bản bàn giao nếu cần thiết.  Việc mô tả chi tiết tài sản giúp đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong việc thực hiện hợp đồng.

(ii) Điều khoản về nghĩa vụ hoàn trả tài sản vay. Như được phân tích phía trên, đây là một loại điều khoản quan trọng trong bất kỳ hợp đồng vay tài sản nào, dù giá trị là lớn hay nhỏ. Xét thấy trên thực tế, ngoài trường hợp tới hạn hoàn trả theo hợp đồng vay tài sản, có thể xảy ra trường hợp như bên vay hoàn trả tài sản vay trước kỳ hạn hoặc bên cho vay yêu cầu bên vay hoàn trả tài sản vay trước kỳ hạn:

  • Đối với trường hợp bên vay hoàn trả tài sản vay trước kỳ hạn, việc ràng buộc bên vay phải thanh toán một khoản tiền phạt do việc hoàn trả trước kỳ hạn là điều mà doanh nghiệp cho vay phải nhận thức được, vì việc hoàn trả nói trên đã gián tiếp ảnh hưởng đến phần lãi mà bên cho vay lẽ ra được nhận nếu bên vay hoàn trả tài sản cùng phần lãi trong kỳ hạn thỏa thuận.
  • Đối với trường hợp bên cho vay yêu cầu bên vay hoàn trả tài sản vay trước kỳ hạn, để có thể thực hiện được điều này thì cần có sự đồng ý của bên vay.

2.2. Đảm bảo quyền kiểm soát và giám sát tài sản thế chấp

(i)Quyền kiểm soát của bên cho vay. Khi bên vay sử dụng tài sản để thế chấp, việc thiết lập cơ chế kiểm soát tài sản một cách chặt chẽ sẽ giúp đảm bảo tài sản được quản lý và bảo vệ một cách hiệu quả. Quyền kiểm soát này cho phép bên cho vay nhanh chóng phát hiện và giải quyết các rủi ro liên quan, đảm bảo tài sản luôn trong tình trạng tốt nhất. Khác với các hợp đồng tín dụng thường thấy, việc hợp đồng vay tài sản giữa các doanh nghiệp mà có yêu cầu chứng thư bảo lãnh (một trong những biện pháp bảo đảm cho khoản vay/khoản thanh toán hiệu quả) là rất hiếm gặp. Theo đó, quyền kiểm soát của bên cho vay sẽ được thể hiện qua quyền kiểm tra tài sản định kỳ, quyền yêu cầu có bảo hiểm tài sản, quyền yêu cầu bảo dưỡng, sửa chữa, quyền tạm giữ tài sản, quyền phát mại tài sản thế chấp, quyền yêu cầu cung cấp thông tin, vv.

(ii)Quyền giám sát tài sản thế chấp của bên vay. Trong trường hợp bên vay chuyển quyền sở hữu tài sản thế chấp cho bên cho vay để đảm bảo cho khoản vay của mình, bên vay vẫn có đầy đủ quyền giám sát tài sản thế chấp. Tuy nhiên các thỏa thuận trên cần phải được ghi nhận đầy đủ trong hợp đồng vay tài sản. Thỏa thuận trên nhằm mục đảm bảo rằng bên cho vay không thể sử dụng hoặc xử lý tài sản thế chấp của người vay mà không có sự đồng ý của bên vay và khi các nghĩa vụ trả nợ chưa phát sinh. Nó cũng ngăn chặn bên cho vay tham gia vào các hành động không phù hợp liên quan đến tài sản thế chấp. Theo đó, quyền giám sát của bên vay được thể hiện qua quyền được kiểm tra định kỳ tài sản thế chấp, quyền được cung cấp thông tin về hiện trạng của tài sản thế chấp, quyền được sửa chữa tài sản thế chấp, vv.

2.3. Sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp

Việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp là rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong các hợp đồng vay tài sản. Các chuyên gia pháp lý với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp soạn thảo, đàm phán và kiểm tra tính hợp pháp của các điều khoản trong hợp đồng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro pháp lý mà còn đảm bảo các điều khoản hợp đồng rõ ràng, minh bạch và có lợi cho doanh nghiệp. Hơn nữa, khi xảy ra tranh chấp, sự hỗ trợ từ các luật sư chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Luật sư có thể đại diện cho doanh nghiệp trong các vụ kiện, sử dụng kỹ năng tranh tụng để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trước tòa. Sự chuyên nghiệp và hiểu biết của các tư vấn pháp lý không chỉ giúp doanh nghiệp an tâm và tập trung vào hoạt động kinh doanh chính mà còn là yếu tố then chốt trong việc giải quyết tranh chấp pháp lý một cách thuận lợi.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Bảo Vệ Quyền Lợi của Doanh Nghiệp Trong Hợp Đồng Vay và Cho Vay Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.