Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Chia Sẻ Kinh Nghiệm: Giải Quyết Tranh Chấp Tài Chính và Ngân Hàng Hiệu Quả

tranh-chap-tai-chinh

Chia Sẻ Kinh Nghiệm: Giải Quyết Tranh Chấp Tài Chính và Ngân Hàng Hiệu Quả

Tranh cấp tài chính là loại tranh chấp khá đa dạng và phổ biến trong thị trường kinh tế. Tranh cấp tài chính có thể phát sinh giữa cá nhân hoặc doanh nghiệp với tổ chức tín dụng và với các bên khác nhưng có đối tượng tranh chấp thường là tài sản vay, tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo,…. Các bên trong tranh chấp đều mong muốn được giải quyết nhanh chóng, ít tốn chi phí và có tính thi hành cao. Bài viết Chia Sẻ Kinh Nghiệm: Giải Quyết Tranh Chấp Tài Chính và Ngân Hàng Hiệu Quả sẽ cung cấp cho bạn đọc những tranh chấp tài chính và ngân hàng phổ biến và những kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp nói trên.

  1. Tranh chấp tài chính và ngân hàng

Nhận diện tranh chấp tài chính và ngân hàng

Tranh chấp tài chính và ngân hàng không được liệt kê và định nghĩa rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng không có bất kỳ phân loại đặc thù nào cho tranh chấp tài chính và ngân hàng. Trên thực tế, loại tranh chấp này thường được Tòa án phân loại vào vụ việc tranh chấp dân sự.

Theo định nghĩa thông thường, tranh chấp tài chính và ngân hàng là việc xung đột, mâu thuẫn lợi ích giữa các bên trong các giao dịch liên quan trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Tranh chấp tài chính và ngân hàng có thể được nhận diện khi trong tranh chấp có một bên là tổ chức tín dụng và đối tượng tranh chấp của các vụ việc này thường liên quan đến tài sản vay, thế chấp, tín dụng, đầu tư và bảo hiểm ngân hàng.

Các tranh chấp tài chính và ngân hàng phổ biến

  • Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản/hợp đồng tín dụng

Vay tín dụng là một trong những hoạt động mang lại lợi ích thương mại cao cho các ngân hàng nói riêng và tổ chức tín dụng nói chung. Tuy nhiên, đi kèm với khoản tiền lãi thu được từ những người vay tiền, tổ chức tín dụng còn phải chịu rủi ro rất lớn về vấn đề nợ xấu, nợ khó đòi. Vì thế, những tranh chấp có thể phát sinh từ Hợp đồng vay tài sản/Hợp đồng tín dụng là tranh chấp liên quan đến việc thu hồi khoản nợ khi bên vay đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, bao gồm không trả nợ đúng hạn hoặc không trả nợ .

  • Tranh chấp về thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng là một công cụ hữu hiệu cho phép người mở thẻ được ứng trước một khoản tiền để sử dụng vào hoạt động thanh toán, mua sắm tại những địa điểm có chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Việc sử dụng thẻ tín dụng cũng dẫn tới không ít các tranh chấp pháp sinh. Theo đó, một trong những tranh chấp thường được nhắc đến là tranh chấp về phí trễ hạn, phí vượt hạn mức hoặc lãi suất không rõ ràng và việc gian lận thẻ tín dụng. Tranh chấp về gian lận thẻ tín dụng là tranh chấp thường xảy ra nhất khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, nhưng cũng là tranh chấp mà phần lớn rủi ro thuộc về người sử dụng. Khi các giao dịch gian lận xảy ra,  yêu cầu của người sử dụng thẻ như không tính các khoản tiền bị mất vào sao kê hoặc kéo dài thời hạn thanh toán thường bị ngân hàng phát hành thẻ từ chối hỗ trợ do không thể chứng minh được việc mất tiền là giao dịch gian lận.

  • Tranh chấp về tài sản đảm bảo

Trong hoạt động tài chính và ngân hàng thì việc dùng tài sản đảm bảo cho các khoản vay là một hoạt động xảy ra khá thường xuyên. Tài sản được dùng để đảm bảo cho các khoản vay này có thể là tài sản của bên vay hoặc của một bên thứ ba được sử dụng để bảo đảm cho khoản vay. Cũng chính vì thế mà tranh chấp phát sinh từ tài sản đảm bảo thường là việc xử lý tài sản đảm bảo, mâu thuẫn về quyền sở hữu hay kiểm soát tài sản. Ngoài ra, sự không đồng ý về phương pháp thu hồi nợ và vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý cũng có thể dẫn đến tranh cãi giữa khách hàng và ngân hàng.

  • Tranh chấp về bảo hiểm liên quan đến ngân hàng:

Tranh chấp về bảo hiểm liên quan đến ngân hàng có thể bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ, khách hàng và ngân hàng có thể có mâu thuẫn về các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm như phạm vi bảo hiểm, mức đền bù, và các quy trình yêu cầu bồi thường. Các tranh chấp này thường nảy sinh khi khách hàng cảm thấy không hài lòng với việc giải thích hoặc áp dụng các điều khoản bảo hiểm từ phía ngân hàng. Ngoài ra, tranh chấp cũng có thể xuất phát từ các vấn đề liên quan đến mức phí bảo hiểm, sự minh bạch trong cách tính phí, và khả năng của ngân hàng để cung cấp dịch vụ bảo hiểm đáp ứng mong đợi của khách hàng.

  1. Phương thức và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp tài chính và ngân hàng

Để giải quyết các tranh chấp này, các bên thường cần thực hiện các biện pháp như thương lượng trực tiếp, hòa giải, hoặc thậm chí thông qua các thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài và tòa án, nhằm đảm bảo tính công bằng và đúng đắn trong quy trình giải quyết tranh chấp.

Thương lượng, hòa giải

Theo Bộ luật Dân sự 2015, các bên có quyền tự do thỏa thuận để giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng. Thương lượng trong giải quyết tranh chấp tài chính và ngân hàng thường là phương thức thông dụng và phổ biến nhất, được các bên lựa chọn đầu tiên sau khi xảy ra tranh chấp. Các bên tranh chấp thường sử dụng phương thức này vì không yêu cầu quy trình thủ tục pháp lý phức tạp, ít tốn chi phí, không bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật.

Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc tự do thương lượng, tự do thỏa thuận giữa các bên, do đó nhược điểm lớn nhất của phương thức thương lượng là tính thực thi thỏa thuận và sự ràng buộc. Việc thực thi các thỏa thuận đã được thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên, không có sự tham gia của bất kỳ cơ quan thi hành nào. Bên cạnh đó, việc tổ chức thương lượng có thể phát sinh sự không công bằng trong thỏa thuận. Đặc biệt là trong mối quan hệ giữa tổ chức tín dụng và khách hàng cá nhân, việc các tổ chức tín dụng lợi dụng vị thế của mình để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cá nhân là điều không hiếm gặp.

Khác với thương lượng, cơ chế hòa giải được quy định cụ thể trong Luật hòa giải và các quy định pháp luật liên quan khác. Một trong những nét cơ bản giúp phân biệt giữa hòa giải và thương lượng là sự xuất hiện của bên thứ ba làm trung gian. Người trung gian này phải độc lập với các bên tranh chấp, hoàn toàn không có lợi ích liên quan đến tranh chấp và không có quyền phán quyết. Pháp luật không khẳng định cá nhân nào, tổ chức nào, cơ quan nào được làm trung gian hòa giải, mà đây là sự thống nhất đôi bên tranh chấp lựa chọn trung gian hòa giải. Trên thực tế, trong hoạt động tranh chấp tài chính và ngân hàng, phương pháp hoà giải rất được ưa chuộng, được các bên thỏa thuận để tiến hành hòa giải tại các trung tâm hòa giải trên cả nước.

Do đó, phụ thuộc vào đối tượng tranh chấp là gì và các bên tranh chấp là ai, các bên có thể lựa chọn phương thức thương lượng, hòa giải như một cách hiểu rõ mong muốn của các bên trước khi tiến hành các phương thức giải quyết tranh khác.

Những lưu ý khi tiến hành giải quyết tranh chấp theo phương thức thương lượng và hòa giải trong tranh chấp tài chính và ngân hàng

Thứ nhất, để đảm bảo khắc phục tính thi hành của phương thức thương lượng và hòa giải, các bên trong mối quan hệ tranh chấp tài chính và ngân hàng có thể thỏa thuận có sự tham gia của bên thứ ba, bên này có thể là một bên đảm bảo cho tính thực thi của thỏa thuận được thương lượng giữa các bên tranh chấp dưới hình thức phát hành chứng thư bảo lãnh, mua bảo hiểm cho khoản vay, ngân hàng trung gian thực hiện việc thanh toán thông qua tài khoản ký quỹ.

Thứ hai, các bên có thể cân nhắc không sử dụng phương thức này trong trường hợp mong muốn bên còn lại nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ. Bởi vì, khi thỏa thuận điều khoản thương lượng này trong hợp đồng, bên có nghĩa vụ có thể lợi dụng việc thương lượng để kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ, nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Trọng tài

Bên cạnh tòa án, trọng tài được xét đến như cơ quan tài phán hiệu quả để giải quyết các vụ việc tranh chấp tài chính và ngân hàng, là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của Hội đồng Trọng tài hoặc Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm giải quyết mâu thuẫn tranh chấp bằng việc đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc các bên phải thi hành.

Ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này là có tính chủ động, tạo sự linh hoạt cho các bên áp dụng; tiết kiệm thời gian, công sức và mang tính khách quan cho các bên. Trọng tài giải quyết theo quy chế trọng tài, có cơ sở pháp lý, tính bắt buộc cao. Giải quyết Trọng tài không bị giới hạn về mặt lãnh thổ do các bên có quyền lựa chọn bất kỳ trung tâm Trọng tài nào để giải quyết tranh chấp cho mình. Phán quyết của Trọng tài có tính chung thẩm, đây là ưu thế vượt trội so với hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải.

Trên thực tế, các bên trong tranh chấp tài chính và ngân hàng thường xuyên lựa chọn phương án trọng tài để giải quyết mâu thuẫn. Với tính chất tranh chấp liên quan đến tổ chức tín dụng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng thường lựa chọn phương án trọng tài để giảm thiểu quy trình tố tụng phức tạp tại Tòa án. Tuy vậy, phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài cũng tồn tại một số nhược điểm như chi phí tương đối cao, vụ việc giải quyết càng kéo dài thì phí Trọng tài càng cao.

Những lưu ý khi tiến hành giải quyết tranh chấp theo phương thức Trọng tài

Thứ nhất, thủ tục tiền tố tụng trọng tài, theo đó phần lớn các mẫu điều khoản giải quyết tranh chấp trong mọi hợp đồng giữa các bên đều ghi nhận điều khoản Thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng như “Các bên sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải và trọng tài”. Theo đó, một điều khoản như trên bắt buộc các bên phải hoàn thành toàn bộ quy trình thương lượng, hòa giải và có đầy đủ biên bản để ghi nhận quá trình thương lượng và hòa giải. Là một trong những yêu cầu về mặt tố tụng trọng tài, được gọi là tiền tố tụng. Cần lưu ý với những hợp đồng mẫu có điều khoản trên để tránh vi phạm thủ tục tiền tố tụng trọng tài, dẫn đến quyết định trọng tài bị vô hiệu hoặc không được tiếp nhận.

Thứ hai, về giá trị tranh chấp và án phí trọng tài. Theo đó, án phí trọng tài thường được tính dựa trên tổng giá trị tranh chấp. Đặc biệt đối với những vụ việc tranh chấp tài chính và ngân hàng có giá trị lớn, những phần tài sản những nội dung nào các bên có thể thỏa thuận, thương lượng được thì cần ưu tiên thỏa thuận, tránh việc tài sản tranh chấp quá lớn dẫn đến án phí tăng cao.

Tòa án

Giải quyết tranh chấp bằng Toà án là hình thức giải quyết tranh chấp do cơ quan tài phán Nhà nước thực hiện. Các đương sự thường tìm đến sự trợ giúp của Tòa án như một giải pháp để bảo vệ có hiệu quả các quyền, lợi ích của mình khi họ thất bại trong việc sử dụng cơ chế thương lượng hoặc hoà giải và cũng không muốn đưa vụ tranh chấp của họ để giải quyết bằng Trọng tài. Đây là phương thức giải quyết có tính thi hành cao nhất, tuy nhiên đi kèm với đó thì Tòa án cũng là phương thức giải quyết tranh chấp tốn thời gian, công sức và quy trình tố tụng phức tạp nhất. Điều đó khiến cho các bên tranh chấp tài chính và ngân hàng không quá ưa chuộng phương thức này.

Tuy nhiên, xuất phát từ việc tranh chấp liên quan đến tài sản có giá trị cao, các bên trong tranh chấp cũng mong muốn bản án/phán quyết của mình có tính thi hành cao, có thể đòi được tài sản. Do đó, Tòa án cũng được xem xét để giải quyết những vụ tranh chấp tài chính và ngân hàng vì lý do nêu trên.

Những lưu ý khi tiến hành giải quyết tranh chấp theo Tòa án

  • Thứ nhất, quy trình tố tụng là một trong những điều khó khăn nhất khi các bên tiến hành giải quyết tranh chấp tài chính và ngân hàng tại Tòa án. Bởi lẽ, quy trình tố tụng phức tạp, việc vi phạm một trong những quy trình nói trên đều có thể khiến cho các bên không thể đạt được mong muốn cũng như ảnh hưởng đến hiệu lực của bản án.
  • Thứ hai, về điều kiện khởi kiện, các bên tranh chấp tài chính và ngân hàng cần lưu ý rà soát toàn bộ các điều khoản, để chắc chắn rằng các bên đủ cơ sở khởi kiện. Bên cạnh đó, đối với một số vụ việc đặc biệt cần phải thông qua quá trình hòa giải, hoặc thương lượng theo như thỏa thuận giữa các bên, thì các bên phải thực hiện các thủ tục đó trước khi yêu cầu khởi kiện để tránh việc bị từ chối đơn khởi kiện.
  • Thứ ba, về vấn đề thi hành án, các bên cần lưu ý rằng bản án không đương nhiên được thi hành. Bên có quyền phải yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án của mình và đóng phí thi hành án theo đó. Trong trường hợp các bên yêu cầu giải quyết thi hành đối với tài sản nào, các bên phải tự tìm thông tin về tài sản của bên có nghĩa vụ để yêu cầu thi hành. Việc thi hành án đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực của bên có quyền để đòi lại quyền lợi của mình.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Chia Sẻ Kinh Nghiệm: Giải Quyết Tranh Chấp Tài Chính và Ngân Hàng Hiệu Quả Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.