Những Thách Thức và Cơ Hội trong Ngành Hàng Hải và Vận Tải Biển
Trên thế giới, hơn 80% khối lượng hàng hóa thương mại được vận chuyển bằng đường biển. Bất kể những thách thức mà đại dịch Covid-19 đã đặt ra, gây trở ngại lớn trong việc vận chuyển hàng hóa quốc tế, nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải vẫn chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển tích cực.
Nguyên nhân chính của sự phát triển này là do nền kinh tế Việt Nam đang định hướng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đóng góp vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều cảng biển Việt Nam hoạt động gần như tối đa công suất. Điều này không chỉ đem lại những thách thức trong việc phát triển mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành hàng hải và vận tải biển thể hiện ưu thế của mình và vươn lên phát triển gầy dựng tên tuổi trong khu vực. Qua bài viết này, Phước và Các Cộng Sự sẽ cùng quý bạn đọc phân tích các thách thức, cơ hội mà doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng hải và vận tải biển sẽ đối mặt, cùng với những lưu ý về mặt pháp lý mà doanh nghiệp không thể lơ là khi thực hiện.
Thực trạng hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành hàng hải và vận tải biển.
Hiện tại, dù ngành hàng hải và vận tải biển của Việt Nam đang dần thể hiện chỗ đứng của mình trên thị trường Châu Á, song quy mô của đội tàu biển Việt Nam vẫn còn nhỏ để có thể cạnh tranh tại thị trường vận chuyển quốc tế bởi thế giới đang có xu hướng phát triển cỡ tàu lớn để tối ưu chi phí vận chuyển. Đội tàu vận tải biển Việt Nam đã có sự tăng lên về số lượng loại tàu có trọng lượng lớn, tổng dung tích và trọng tải, tuy nhiên chúng ta vẫn chủ yếu phù hợp với thị trường vận chuyển hàng hóa ven biển nội địa hoặc quốc tế ngắn trong khu vực.
Các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp hạn chế về kinh phí nên gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng điều kiện để đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam theo Điều 7 Nghị định số 171/2016/NĐ-CP – yêu cầu tàu dưới 15 năm tuổi[1]. Điều này dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đội tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài, giảm quy mô đội tàu trong nước, giảm thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu thuộc sở hữu quốc gia và làm mất đi một khoản thuế, phí khi làm thủ tục nhập khẩu và đăng ký tàu mang quốc tịch Việt Nam cho nhà nước.
Các vấn đề khác liên quan khác như việc đào tạo và tuyển sinh nguồn nhân lực vận tải biển cũng được doanh nghiệp đẩy mạnh, số lượng thuyền viên được đào tạo, huấn luyện cũng được gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng trong lúc nhu cầu về thuyền viên nội địa và xuất khẩu ngày càng tăng. Các công tác an toàn và kiểm tra an ninh tàu biển, bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiệm cũng là vấn đề được cơ quan chức trách quan tâm. Đối với các tai nạn tàu biển xảy ra, các sỹ quan, thuyền viên cũng tăng cường việc triển khai công tác kiểm tra tàu biển, tìm ra nguyên nhân để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Những thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay
Các thách thức cho doanh nghiệp hoạt động ngành hàng hải và vận tải biển
Ngành hàng hải Việt Nam hiện nay gặp nhiều thách thức và khó khăn trong việc cạnh tranh với các đội tàu biển với quy mô lớn. Đối mặt với nhu cầu này, doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh việc huy động vốn, thay đổi tàu với quy mô, trọng lượng và dung tích tối ưu hơn để tăng tính cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào việc nâng cao khả năng vận hành và quản lý của đội tàu biển, bao gồm việc đảm bảo tàu biển hoạt động hiệu quả, tiêu chuẩn an toàn cao và quản lý tài nguyên sao cho tối ưu nhất. Để mở rộng quy mô và nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và vận tải biển để được chia sẻ các kinh nghiệm và được hỗ trợ về mặt tài nguyên.
Một thách thức nan giải với doanh nghiệp là phải đối mặt với “gánh nặng” tài chính để có thể tuân thủ yêu cầu về độ tuổi của tàu đối với việc đăng ký quốc tịch Việt Nam cho tàu của mình đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Với các tàu đủ điều kiện đăng ký, chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp này cũng tăng lên, làm giảm lượng khách hàng tiềm năng. Bên cạnh việc sở hữu các cảng biển lớn, cơ sở hạ tầng tại các cảng biển vẫn chưa được phát triển đồng đều trên cả nước do kinh phí chưa cho phép. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc việc yêu cầu hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Việt Nam hoặc các chính sách vay hợp lý để doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để phát triển danh tiếng của doanh nghiệp nói riêng và của đất nước nói chung.
Thời điểm suy thoái kinh tế cao như hiện nay cũng gây ra áp lực cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển và vận tải biển khi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu giảm mạnh cũng như áp lực của lạm phát. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh để tránh những thiệt hại trong những tháng cuối năm.
Các cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động ngành hàng hải và vận tải biển
Bên cạnh các thách thức trên, doanh nghiệp cũng nhận được nhiều cơ hội để tận dụng và phát triển. Từ việc tận dụng vị trí địa lý đắc địa đến sự đầu tư vào hạ tầng và hỗ trợ chính sách từ chính phủ, doanh nghiệp có thể tận dụng các khe hở để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh:
- Đầu tư vào cải thiện quy mô và chất lượng đội tàu: Doanh nghiệp còn nhỏ có lợi thế về tài nguyên nhân lực và năng lực sáng tạo, bền bỉ. Các doanh nghiệp nên tận dụng nguồn lực để xây dựng chiến lược hoạt động và phát triển sao cho thể hiện được khả năng kinh doanh của mình để kêu gọi các khoản đầu tư từ các nhà đầu tư tiềm năng, từ đó mở rộng hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp nên nắm bắt cơ hội từ các chính sách và hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam.
- Việc tăng cường các công tác an toàn, kiểm tra an ninh và bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải và vận tải biển không chỉ là một nghĩa vụ pháp lý của mỗi doanh nghiệp mà còn là một cơ hội để doanh nghiệp nâng cao uy tín của mình và hấp dẫn khách hàng.
- Việt Nam sở hữu địa lý thuận lợi với diện tích tiếp xúc bờ biển cao và nằm giữa các tuyến biển quan trọng như Biển Đông và biển quốc tế và Việt Nam có một vị trí địa lý chiến lược trong vận chuyển hàng hóa. Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng ưu thế này để tạo ra một cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành để mở rộng hoạt động và cung cấp dịch vụ vận tải biển chất lượng cao. Thời điểm suy thoái kinh tế cao cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hàng hải chứng minh tiềm năng phát triển nổi bật của mình trên các thị trường quốc tế. Nắm bắt được tình thế này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội trở mình và vươn lên khẳng định vị thế.
- Việt Nam đang mở cửa và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực hàng hải và vận tải biển. Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng mạng lưới kinh doanh và hợp tác với các đối tác quốc tế.
Những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng hải và vận tải biển không thể lơ là
Sự sôi động của lĩnh vực hàng hải và vận tải biển cũng đi kèm với những rủi ro phát sinh tranh chấp. Các tranh chấp liên quan đến hàng hải và vận tải biển thường phức tạp do phần lớn mang yếu tố nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này cũng phải trang bị cho mình những kiến thức pháp lý để tránh các rủi ro phát sinh.
Đối với doanh nghiệp thực hiện kinh doanh vận tải biển quốc tế, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định về điều kiện tài chính thông qua bảo lãnh với mức tối thiểu là 05 (năm) tỷ Đồng Việt Nam hoặc mua bảo hiểm để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên theo quy định, có quyền sử dụng hợp pháp với tối thiểu 01 tàu biển, và doanh nghiệp cũng phải thiết lập hoặc thuê tổ chức bộ máy và nhân lực đúng quy định luật định[2]. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế nhưng không đáp ứng được những điều kiện quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm.
Một số vấn đề còn chưa được hoàn thiện bởi quy định pháp luật liên quan đến thuyền viên được quy định tại nhiều văn bản khác nhau song lại chưa thống nhất trong các vấn đề liên quan đến mức lương, chế độ bảo hiểm, thời giờ làm việc… Mặt khác, những quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thuyền viên chưa có tính đặc thù phù hợp, đặc biệt đối với các thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp thực hiện cung ứng thuyền viên hay các doanh nghiệp thực hiện thuê, mướn thuyền viên cũng cần cẩn trọng trong việc thỏa thuận với thuyền viên, xây dựng và áp dụng chế độ quản lý thuyền viên sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp cũng phải trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến việc giải quyết tranh chấp, về thẩm quyền và pháp luật áp dụng đối với từng tàu riêng biệt tại các vùng lãnh thổ và quốc tịch mà tàu đang mang.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan Những Thách Thức và Cơ Hội trong Ngành Hàng Hải và Vận Tải Biển mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 7.1(b) Nghị định số 171/2016/NĐ-CP
[2] Điều 5 Nghị định 160/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 147/2018/NĐ-CP