#Binhdanggioi #2022 Vì sao đàn ông có thể còn phụ nữ thì không?
Vì sao đàn ông có thể còn phụ nữ thì không?
(Đoàn Thị Quỳnh Như – Phuoc & Partners)
Bình đẳng giới là một vấn đề đang được toàn thế giới quan tâm vì quyền lợi của phụ nữ. Phụ nữ ở mọi thời điểm đều phải chịu vị thế thấp hơn đàn ông, luôn là “phái yếu” trong mọi mối quan hệ. Ở nền văn hóa phương Đông nói riêng, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã tồn tại từ thời phong kiến cho tới thời điểm hiện tại, đàn ông được coi là trụ cột gia đình, là người quyết định mọi việc, phụ nữ luôn được coi là người ở phía sau và luôn phải nghe theo sự sắp xếp của đàn ông. Hiện nay, mặc dù tư tưởng trọng nam khinh nữ đã cởi mở hơn nhưng đâu đó vẫn còn lối suy nghĩ này. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu phụ nữ có thể làm được những điều đàn ông đã và đang làm không và liệu họ có thể thoát khỏi sự định kiến đó không?
Phụ nữ hoặc phái nữ là những người có giới tính sinh học là nữ hoặc có bản dạng giới nữ. Bên cạnh đàn ông, phụ nữ là nửa còn lại của thế giới, là giống loài với thiên chức sản sinh ra thế hệ sau. Tuy nhiên, phụ nữ đã và đang hứng chịu sự bất công từ một nửa còn lại của thế giới hoặc thậm chí giữa những người phụ nữ với nhau, gọi là sự phân biệt giới tính. Ở những nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa, truyền thống địa phương còn tồn tại những hủ tục man rợ mà phụ nữ phải gánh chịu, có thể kể đến như hủ tục xua đuổi phụ nữ khi đến kì kinh nguyệt (ở Nepal – tiếng địa phương gọi là Chhaupadi), đeo khuyên đĩa lên vành môi dưới (bộ lạc Mursi và Surma ở Ethiopia), cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục[1], và nhiều hủ tục man rợ khác đã và đang tồn tại. Ở một số nước, phụ nữ bị hạn chế thực hiện các quyền cơ bản của công dân như quyền được bầu cử, quyền lái xe, quyền để lộ mặt[2].
Tại Việt Nam, quyền của phụ nữ đã được công nhận từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 Điều thứ 9, quy định “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”, phụ nữ được công nhận có đầy đủ quyền và khả năng thực hiện các quyền ngang với đàn ông. Hiến pháp là văn bản đánh dấu sự khởi sắc của cuộc đời phụ nữ, khi họ không còn chịu sự khinh rẻ, bất công của xã hội, họ được hưởng các quyền lợi vốn đã thuộc về họ và được bình đẳng với đàn ông. Không ai có quyền phân biệt đối xử phụ nữ về bất kể phương diện nào. Quyền bình đẳng của phụ nữ được quy định xuyên suốt các bản hiến pháp và văn bản pháp luật của Việt Nam kể từ khi thành lập nhà nước. Gần đây nhất, Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định về quyền bình đẳng giữa công dân nam và công dân nữ, theo đó, công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới đối với mọi công dân[3]. Pháp luật đã công nhận quyền bình đẳng giới đối với phụ nữ, tuy nhiên, vẫn tồn tại các suy nghĩ không tiến bộ đã vô tình hoặc cố ý hạn chế sự phát triển của phụ nữ.
Định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành nghề
Chính sách tuyển dụng công bằng giữa hai giới tính chưa được thực hiện một cách triệt để. Theo thống kê, cứ 5 người phụ nữ ứng tuyển sẽ có 1 người bị từ chối vì lý do họ là phụ nữ, ngược lại cứ 5 người đàn ông ứng tuyển sẽ có 2 người được chọn vì họ là đàn ông. Định kiến về giới là một rào cản rất lớn đối với sự phát triển về tiềm năng của phụ nữ vì giới tính mà họ không có quyền lựa chọn khi sinh ra. Định kiến về giới hạ thấp năng lực của phụ nữ vì cho rằng phụ nữ không phù hợp làm những công việc thiên về mặt khoa học tự nhiên như kỹ sư, kiến trúc sư, công nghệ thông tin mà phụ nữ chỉ nên làm những việc nhẹ nhàng thiên về khoa học xã hội và những công việc có thiên hướng hỗ trợ chứ không đóng vai trò chính. Một số doanh nghiệp khi đăng thông báo tuyển dụng công khai yêu cầu về giới tính của người ứng tuyển, điều này làm giảm khả năng tìm kiếm việc làm của những người phụ nữ đủ năng lực về chuyên môn nhưng không được chấp nhận vì giới tính sinh học của mình.
Thêm nữa, định kiến giới tính trong công việc không chỉ thể hiện ở điều kiện tuyển dụng mà còn thể hiện trong bản chất công việc. Cùng một công việc, cùng một vị trí làm việc nhưng người lao động nam lại được đánh giá cao hơn người lao động nữ, từ đó người lao động nam có mức thu nhập cao hơn và có cơ hội thăng tiến cao hơn người lao động nữ.
Công việc không có giới tính và không phân biệt bất cứ ai thực hiện chúng bất kể nam hay nữ, phụ nữ vẫn có thể thực hiện tốt những công việc tưởng như được đo ni đóng giày cho đàn ông và ngược lại. Cần loại bỏ rào cản giới tính trong tuyển dụng lao động để cả phụ nữ và đàn ông đều có cơ hội tiếp cận ngành nghề mình yêu thích, từ đó tăng tỷ lệ tuyển dụng lao động và tỷ lệ thành công trong công việc bất kể giới tính.
Những ngành nghề được coi là “của đàn ông”
Ngành tư pháp được chiếm ưu thế bởi đàn ông, thế giới ghi nhận rất ít phụ nữ giữ vai trò thẩm phán trong tòa án các nước trên thế giới. Trong suốt gần 200 năm kể từ khi Hiến pháp Hoa Kỳ ra đời vào năm 1789, các thẩm phán tối cao nắm giữ trọng trách quan trọng trong Tòa án tối cao Hoa Kỳ đều là đàn ông. Đến năm 1981, Tòa án tối cao Hoa Kỳ có nữ thẩm phán đầu tiên – Bà Sandra Day O’Connor. Bà tốt nghiệp ngành luật đại học Stanford năm 1952 và đã từng bị từ chối làm việc tại văn phòng luật sư chỉ vì bà là nữ giới. Bỏ qua những định kiến về giới tính, bằng sự nỗ lực và tinh thần không bỏ cuộc, năm 1981 bà được Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm trở thành nữ thẩm phán đầu tiên của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ[4]. Bà được miêu tả là người giữ lá phiếu quyết định cho những phiên tòa ở thế giằng co. Vị nữ thẩm phán thứ hai của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ – bà Ruth Bader Ginsburg – là người tiên phong ủng hộ quyền phụ nữ bằng cách thay đổi chính sách chỉ nhận nam giới tại viện quân sự Virginia, tạo điều kiện cho những người phụ nữ tham gia cống hiến cho đất nước và xã hội dựa trên năng lực cá nhân. Bà còn là người đấu tranh giành quyền lợi cho cộng đồng LGBT trong việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên toàn 50 bang[5]. Những quyết định này là bước ngoặt quan trọng đối với phụ nữ và người đồng tính khi được sống theo đúng bản chất của mình và thực hiện những gì mình mong muốn. Mới đây, lịch sử Hoa Kỳ ghi nhận vị thẩm phán nữ thứ ba – bà Kentaji Brown Jackson – đồng thời là nữ thẩm phán da màu đầu tiên trong suốt lịch sử lập hiến của Hoa Kỳ, tạo nên khởi sắc mới cho sự đa dạng vể màu da trong bộ máy quyền lực nhà nước Hoa Kỳ.
Không thể không kể đến nữ thẩm phán được Bác Hồ dìu dắt – bà Nông Thị Trưng – nguyên Chánh án tòa án tỉnh Cao Bằng. Bà Trưng được Bác Hồ trực tiếp dạy dỗ kỹ năng đọc, viết, các kiến thức về chính trị, xã hội. Năm 1941, bà được kết nạp vào Đảng và một lòng đi theo lý tưởng cách mạng. Từ đó đến nay, nhà nước đã và đang đào tạo và bồi dưỡng các nữ thẩm phán để phát triển mạnh mẽ ngành tư pháp nước nhà[6].
Ngoài ra, trong một số lĩnh vực như khoa học công nghê, kỹ thuật, ngày càng có các nhà khoa học, kỹ sư là phụ nữ đã có những đóng góp không nhỏ vào những phát minh mang tính nhân loại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đất nước nói riêng và của cả thế giới nói chung.
Ngưng bình phẩm về ngoại hình của phụ nữ mà hãy tập trung vào tài năng của họ
Phụ nữ vinh hạnh được gọi với cái tên “phái đẹp” vì tạo hóa đã ban cho phụ nữ một cơ thể mảnh mai, một gương mặt ưa nhìn và thu hút người khác giới, tuy nhiên, điều đó cũng trở thành điểm hạn chế khi đánh giá một người phụ nữ dưới góc nhìn khách quan. Giới tính cũng như ngoại hình là hai thứ chúng ta không thể được lựa chọn từ khi sinh ra nhưng nó đã và đang trở thành rào cản trên con đường phát triển của những người phụ nữ nói riêng.
Dễ thấy nhất, trong các bài báo viết về thành tựu của một người phụ nữ, sẽ có những cụm từ đính kèm như “bóng hồng”, “xinh đẹp” hoặc kèm theo là bài viết về đời tư của người phụ nữ đó. Những nội dung như vậy vô tình thu hút sự chú ý của người đọc, khiến họ tạm thời quên đi những gì mà người phụ nữ đó đã nỗ lực cống hiến.
Đồng ý việc khen ngợi vẻ đẹp của một người phụ nữ vì họ là giống loài duy nhất trên thế giới xứng đáng với danh gọi “phái đẹp”, nhưng bên cạnh đó cũng nên chừa chỗ để tài năng của họ tỏa sáng, để họ cảm thấy xứng đáng khi được đặt lên bàn cân so sánh với những người đàn ông thành đạt.
Lời kết
Phụ nữ và đàn ông đều xứng đáng được nhìn nhận một cách bình đẳng. Cần thay đổi các quan niệm xã hội xưa cũ về việc phụ nữ chỉ là phái yếu, không thể cáng đáng việc lớn. Thực tiễn ngày nay đã cho thấy phụ nữ đã và đang trở thành những người có sức ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội. Xã hội nên có một cái nhìn khách quan rằng những việc đàn ông có thể làm, phụ nữ cũng có thể và thậm chí có thể làm tốt hơn.
[1] Xót xa trước những hủ tục man rợ mà phụ nữ phải quằn mình gánh chịu – https://dulichvietnam.com.vn/xot-xa-truoc-nhung-hu-tuc-man-ro-ma-phu-nu-phai-quan-minh-ganh-chiu.html
[2] 11 luật cấm đối với phụ nữ ở Ả Rập Xê Út https://viettimes.vn/11-luat-cam-doi-voi-phu-nu-o-a-rap-xe-ut-post80367.html
[3] Điều 26 Hiến pháp 2013
[4] Britannica – Sandra Day O’ Connor – https://www.britannica.com/biography/Sandra-Day-OConnor
[5] Điều đặc biệt từ nữ thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ vừa qua đời – https://plo.vn/dieu-dac-biet-tu-nu-tham-phan-toa-toi-cao-my-vua-qua-doi-post593871.html
[6]Nữ thẩm phán được Bác Hồ dìu dắt, kết nạp vào Đảng – http://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nu-tham-phan-%C4%91uoc-bac-ho-diu-dat-ket-nap-vao-%C4%91ang-26609-4520.html