Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

4 điểm quan trọng trong hợp đồng thương mại không nên bỏ qua

4-diem-quan-trong-trong-hop-dong-thuong-mai-khong-nen-bo-qua

4 điểm quan trọng trong hợp đồng thương mại không nên bỏ qua

Việc đàm phán và soạn thảo các điều khoản của hợp đồng thương mại là công việc rất quan trọng và cần phải được tiến hành một cách cẩn trọng, tránh thiếu xót. Tuy nhiên, trên thực tế, xuất phát từ nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, các bên ký kết hợp đồng thương mại thường ít quan tâm cho vấn đề này mà thường chỉ soạn thảo hợp đồng theo kiểu “cho có”, theo thói quen và dựa trên sự tin tưởng nhau là chính.

Có thể bạn quan tâm: Tranh chấp hợp đồng thương mại và 4 điều cần lưu ý khi sảy ra tranh chấp

Tranh chấp hợp đồng thương mại và 4 điều cần lưu ý khi sảy ra tranh chấp

Điều này dẫn đến tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các bên khi xảy ra tranh chấp, các điều khoản của hợp đồng thương mại không rõ ràng hoặc thiếu xót các quy định quan trọng dẫn đến khó giải quyết tranh chấp. Phuoc & Associates xin nêu dưới đây là 4 mấu chốt quan trọng trong hợp đồng thương mại mà bạn cần suy xét cẩn thận và không nên bỏ qua khi đàm phán và soạn thảo hợp đồng thương mại:

1. Cần quy định chi tiết và rõ ràng đối tượng của hợp đồng thương mại

Đối tượng của hợp đồng thương mại chính là hàng hóa mà các bên sẽ mua bán với nhau hoặc công việc, dịch vụ mà một bên sẽ thực hiện, cung cấp cho bên còn lại. Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng thương mại là hàng hóa, tùy thuộc hàng hóa mà các bên mua bán là hàng hóa đặc định (ví dụ như 1 tài sản cụ thể nào đó) hoặc cùng loại (chẳng hạn như hàng hóa sản xuất hàng loạt) mà các bên sẽ nêu cụ thể thông tin có liên quan của hàng hóa gồm chủng loại hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm kỹ thuật, tình trạng hàng hóa (mới hay đã qua sử dụng), v.v.

Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng thương mại là việc thực hiện công việc hay cung ứng dịch vụ, các bên cần quy định rõ công việc/dịch vụ này là gì, những công việc/dịch vụ nào được xem là ngoài phạm vi và sẽ tính thêm phí, cách thức cung cấp ra sao, do ai thực hiện, thực hiện vào thời điểm nào, tại địa điểm nào, cách thức xác định mức độ hoàn thành công việc/dịch vụ, v.v.

2. Cần quy định rõ số tiền phải thanh toán, thời hạn thanh toán, cách thức thanh toán và điều khoản thay đổi phương thức thanh toán

Thông thường đây là điều khoản mà các bên sẽ quy định tương đối rõ ràng và đầy đủ trong hợp đồng thương mại. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều hợp đồng thương mại chỉ quy định số tiền phải thanh toán mà không đề cập thời hạn thanh toán, cách thức thanh toán cũng như điều khoản thay đổi phương thức thanh toán (nếu có), hoặc có quy định trong hợp đồng thương mại nhưng lại mơ hồ, không rõ ràng.

Một số lỗi thường gặp có thể kể đến như: Các bên quy định thanh toán trong vòng ‘x’ ngày nhưng không nêu rõ thời hạn này tính từ ngày nào (ví dụ từ ngày giao hàng hay từ ngày xuất hóa đơn), quy định giá bán/phí dịch vụ nhưng không nêu rõ đã bao gồm thuế, phí, chi phí phát sinh có liên quan hay chưa (như chi phí đi lại), quy định thanh toán chuyển khoản ngân hàng nhưng không nêu thông tin tài khoản, không quy định bên nào sẽ chịu phí ngân hàng, v.v.

3. Cần đàm phán và thỏa thuận điều khoản giải quyết tranh chấp thích hợp

Đây là điều khoản mà hầu hết các bên khi ký kết hợp đồng thương mại đều rất ngại bàn đến và thường không dành nhiều thời gian để soạn thảo cho mình điều khoản thích hợp. Thực tế này xuất phát từ việc vào thời điểm ký kết, đàm phán hợp đồng thương mại, các bên đều đang có quan hệ hữu hảo với nhau, tin tưởng nhau và không bên nào dự liệu hoặc mong muốn rằng sẽ có tranh chấp xảy ra.

Do đó, các bên thường né tránh bàn về cách thức giải quyết tranh chấp vào thời điểm đàm phán và soạn thảo hợp đồng thương mại. Điều khoản giải quyết tranh chấp vì vậy mà thường chỉ được các bên quy định trong hợp đồng thương mại một cách chung chung, hoặc sử dụng lại các điều khoản mẫu từ những hợp đồng thương mại thay vì điều chỉnh lại để phù hợp với trường hợp cụ thể của mình.

Một số lỗi thường gặp có thể kể đến như: các bên thỏa thuận thẩm quyền tài phán ở nước ngoài, không thuận tiện cho bên Việt Nam khởi kiện, các bên thỏa thuận lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp nhưng không nêu tên Trung tâm trọng tài hoặc nêu sai tên Trung tâm trọng tài, v.v.

4. Cần kiểm tra thẩm quyền ký kết hợp đồng thương mại của các bên và yêu cầu đối tác cử người có thẩm quyền ký kết hợp đồng thương mại

Tùy thuộc vào đối tác của bạn là cá nhân hay tổ chức, bạn sẽ yêu cầu chính cá nhân đó hoặc đại diện theo pháp luật của đối tác là tổ chức, hoặc đại diện theo ủy quyền hợp lệ của cá nhân, tổ chức này (với văn bản ủy quyền hợp lệ) đứng ra ký kết hợp đồng thương mại.

Đây là yêu cầu rất quan trọng bởi lẽ theo quy định của Điều 142 Bộ Luật Dân Sự 2015, nếu hợp đồng thương mại được ký kết bởi người không có thẩm quyền đại diện theo quy định, hợp đồng này sẽ không phát sinh hiệu lực đối với cá nhân, tổ chức được đại diện.

Do đó, để tránh trường hợp hợp đồng thương mại của bạn với đối tác bị xem là không phát sinh hiệu lực do người ký kết không có thẩm quyền, bạn cần lưu tâm về vấn đề này và yêu cầu đối tác tuân thủ tuyệt đối.

Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ soạn thảo, tư vấn hợp đồng thương mại

Dịch vụ soạn thảo, tư vấn hợp đồng thương mại

Để bạn có thêm thông tin, theo quy định của pháp luật, đối với doanh nghiệp, người có thẩm quyền đại diện cho doanh nghiệp sẽ là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền hợp lệ. Bạn có thể xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dựa trên thông tin ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của đối tác hoặc bạn cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin này tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia của Việt Nam tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/.

Trong trường hợp, người đại diện ký kết hợp đồng của đối tác không phải là đại diện theo pháp luật của họ, bạn cần yêu cầu đối tác có văn bản ủy quyền hợp lệ cho người này.