Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Tòa án điện tử - Giải pháp cần thiết để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025

Tòa án điện tử – Giải pháp cần thiết để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025

 (Le Kieu Trinh – Phuoc & Partners)

Chuyển đổi số hiện đang là xu thế toàn cầu và là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19, tầm quan trọng của công cuộc cải cách hệ thống theo hướng số hóa ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực là xu thế tiên phong. Với ngành tư pháp, việc áp dụng công nghệ số thay cho mô trình hoạt động truyền thống ngoài việc giúp người dân có thể thực hiện các thủ tục pháp lý từ xa, còn giúp giảm thiểu sự can thiệp của con người, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà qua đó từng bước xây dựng hệ thống tư pháp tinh gọn, hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa bắt kịp tốc độ phát triển của mặt bằng chung trên thế giới trong khi xu thế của Tòa án điện tử đã khá phổ biến tại nhiều quốc gia như Úc, Singapore, Trung Quốc,…, việc áp dụng Tòa án điện tử ở Việt Nam hiện còn đang được xem xét một cách thận trọng. Với xu hướng đơn giản hóa và nâng cao tính minh bạch của thủ tục tố tụng thì việc chuyển đổi số sẽ là điều tất yếu. Mặc dù vậy, với bản chất là một trong ba trụ cột thể hiện quyền lực của Nhà nước, việc áp dụng công nghệ số vào quy trình, thủ tục tư pháp chắc chắn sẽ cần được xem xét một cách kỹ càng hơn so với những ngành khác, đặc biệt về tính hợp pháp và minh bạch vốn có của nó.

 

Sự cấp thiết phải nhanh chóng xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam

 

Hiện nay trên thế giới chưa có một định nghĩa thống nhất và chính xác nào về Tòa án điện tử. Các thuật ngữ được dùng trong mỗi hoàn cảnh khác nhau sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện chính trị của từng quốc gia. Tòa án điện tử, tên tiếng Anh gọi là Electronic Court (E-court), có thể hiểu là mô hình ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động tố tụng của Tòa án chẳng hạn như nộp đơn kiện trực tuyến, tống đạt thư điện tử, thu thập chứng cứ hay thậm chí là tổ chức các phiên tòa xét xử các vụ án trên nền tảng số.[1]

 

Theo trình tự, thủ tục tố tụng trước đây, để hoàn tất thủ tục khởi kiện cho tới khi Tòa án thụ lý một vụ án, đương sự có thể phải đến Tòa án nhiều lần để nộp đơn kiện hay bổ sung các giấy tờ, tài liệu theo yêu câu theo cách thủ công và tình trạng “ngâm” hồ sơ vụ án vẫn còn khá phổ biến. Vấn đề chậm giải quyết các vụ án thường xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan chẳng hạn như: sự thiếu cân bằng trong lực lượng cán bộ tư pháp, nguồn nhân lực không đủ để phục vụ trong khi số lượng các vụ án tiếp nhận ngày càng cao, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 như hiện nay; việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chẳng hạn như thông báo, cung cấp giấy tờ, tài liệu chưa thực sự hiệu quả;… Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam cũng khiến cho Chính phủ phải áp dụng các lệnh giãn cách xã hội dài ngày dẫn đến việc các vụ án bị ứ đọng ở các cấp tòa án ngày càng tăng và đáng báo động. Do đó, nếu vẫn khăng khăng giữ nguyên chế độ xét xử các vụ án trực tiếp như hiện nay thì sẽ không phù hợp với tình hình thực tế nữa. Trên thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã cho triển khai thực hiện việc tổ chức phiên họp với các đương sự trong vụ án thông qua nền tảng trực tuyến[2], cụ thể vào ngày 08/06/2021, các cơ quan tố tụng của Thành phố Thủ Đức cùng thống nhất đề xuất xét xử trực tuyến những vụ án hình sự đối với các bị cáo nào đang bị tạm giam tại nhà giam giữ của Công an Thành phố Thủ Đức[3].

 

Tuy nhiên, những nỗ lực như trên vẫn là chưa đủ để Việt Nam có thể bắt kịp với tình hình chung trên thế giới trong việc giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, việc cần thiết và cấp bách cho Việt Nam nói chung và nền tư pháp của Việt Nam nói riêng trong giai đoạn hiện nay là nhanh chóng xây dựng Tòa án điện tử. Tòa án điện tử nếu được ra đời sẽ là một bước tiến mới mạnh mẽ trong công cuộc cải cách tư pháp đi đôi với chuyển đổi số ở Việt Nam. Ngoài việc đáp ứng được sự yêu cầu về việc giãn cách xã hội trong mùa dịch Covid-19, Tòa án điện tử sẽ giúp cho các thủ tục tố tụng được tiến hành một cách nhanh chóng hơn, giúp đảm bảo việc giải quyết các tranh chấp và bảo vệ quyền lợi cho các đương sự được thực hiện đúng tiến độ theo quy định của thủ tục tố tụng. Ngoài ra, Tòa án điện tử cũng góp phần giúp tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và cho cả các đương sự.

 

Đề xuất về việc xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam

 

Từ sự nghiên cứu đánh giá về các mô hình Tòa án điện tử khác trên thế giới cùng với những nhận định về tính cấp thiết của việc xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam hiện nay, xin được đề xuất một số phương pháp về việc xây dựng Tòa án điện tử như sau:

Thứ nhất, xây dựng văn phòng điện tử với hệ thống nhận đơn khởi kiện hoàn thiện và chặt chẽ

Tòa án cần cải thiện hệ thống nộp đơn như hiện nay, đặc biệt là hệ thống xác minh tài khoản đăng ký trên website bằng cách áp dụng các phương pháp xác thực nhân thân với độ hiện đại và tính bảo mật cao hơn, cụ thể chẳng hạn như kết hợp việc đăng ký chứng thư số và công nghệ sinh trắc học (nhận diện khuôn mặt).

Tòa án có thể ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để lưu trữ dữ liệu cũng như đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu gốc. Blockchain là công nghệ chuỗi – khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, mỗi khối (block) đều chứa những thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó, dữ liệu khi đã được mạng lưới chấp nhận sẽ không còn cách nào khác để thay đổi được. Blockchain được thiết kế để chống lại việc gian lận và thay đổi của dữ liệu. Vì thế, đây sẽ là cách thức lưu trữ vô cũng hữu hiệu do thỏa mãn được yêu cầu về tính minh bạch mà hệ thống tư pháp cần đảm bảo. Blockchain liên kết các tổ chức tư pháp thành khối và trao quyền cho hệ thống thông tin của tổ chức tư pháp. Nhờ thế mạnh về phân bổ dữ liệu, blockchain trao cho hệ thống thông tin khả năng truy xuất nguồn gốc dữ liệu và siêu dữ liệu, điện toán đám mây,…Cụ thể, hệ thống có thể hỗ trợ các cán bộ tư pháp trong việc xử lý các vụ án chẳng hạn như: đưa các vụ án vào cùng một lĩnh vực để giải quyết, tối ưu hóa khả năng tìm kiếm thông tin, cung cấp dịch vụ và tính hợp tác của các cơ quan tư pháp.

Thứ hai, xác định chứng cứ

Tòa án điện tử sau khi thụ lý vụ án sẽ thông báo cho các đương sự, sau đó sẽ tổ chức trao đổi chứng cứ trực tuyến, các bên sẽ tải lên và nhập dữ liệu điện tử vào website được chỉ định. Tiếp theo, Tòa án điện tử sẽ tiến hành kiểm tra và đánh giá tính xác thực của quá trình tạo, thu thập, lưu trữ và truyền tải dữ liệu điện tử kết hợp với kiểm tra chéo. Chứng cứ có thể được lưu trữ và xác định tính hợp lệ bằng công nghệ blockchain, hệ thống này giúp xác thực độ tin cậy của việc bảo quản chứng cứ thông qua việc xem xét và đánh giá nền tảng được sử dụng để bảo quản chứng cứ cũng như các phương tiện kỹ thuật được sử dụng để thu thập chứng cứ trên website. Tuy nhiên, cũng nên xây dựng những trường hợp đặc biệt mà Tòa án xét thấy cần thiết phải xác định danh tính, kiểm tra bản gốc của vật chứng, dựa vào đó Tòa án có thể quyết định việc xác thực trực tiếp nếu cần thiết, nhưng các hoạt động khác thì vẫn phải được thực hiện trực tuyến.

Thứ ba, về xây dựng phiên tòa trực tuyến

Thiết lập một phòng xử án trực tuyến thông qua sử dụng các phần mềm video conference tin cậy; có nghĩa là thông qua các kênh truyền âm thanh, video, hình ảnh và các thiết bị công nghệ khác; thẩm phán, các đương sự và những người tham gia tố tụng có thể đồng thời tham dự phiên xét xử từ xa thông qua Internet và các ứng dụng có liên quan. Ta có thể thử nghiệm trước với các nền tảng thịnh hành hiện nay chẳng hạn như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams,… tuy nhiên, để đảm bảo tính bảo mật thông tin,  nên tiến tới tạo lập một phần mềm video conference riêng biệt cho Chính phủ nói chung và Tòa án nói riêng. Phần mềm này sẽ được liên kết trực tiếp với Cổng thông tin điện tử của Tòa án, các bên sẽ chỉ cần đăng nhập theo những tài khoản đã được đăng ký trên website. Thực chất, nội dung trong phiên tòa sẽ không có gì khác biệt so với phiên tòa truyền thống khi các thẩm phán cũng tiến hành tuyên thệ và các hoạt động tố tụng cũng sẽ được thực hiện giống như phiên tòa truyền thống, điểm khác biệt duy nhất có thể kể ra là về mặt hình thức khi phiên tòa trực tuyến được trình chiếu trên một màn hình lớn được đặt tại phòng xử án. Các đương sự xuất hiện tại “tòa” qua hình thức chat video.

Chính vì tính chất trực tuyến mà cần phải xây dựng nhiều tầng bảo mật trong toàn hệ thống. Tầng thứ nhất là tầng bảo mật đầu vào, các bên đương sự khi tham gia sẽ phải đăng nhập theo những tài khoản đã đăng ký trên website (đã xác thực nhân thân theo kỹ thuật chứng thư số và trắc sinh học). Tới tầng thứ hai, tất cả các phòng xét xử đều phải được bảo vệ bằng mật khẩu, mật khẩu này chỉ được cung cấp cho những người tham gia phiên tòa. Tầng thứ ba là trong xuyên suốt quá trình xét xử, phiên tòa trực tuyến sẽ được mã hóa theo địa chỉ IP của các bên tham gia để hạn chế tối đa việc xâm nhập bất hợp pháp từ các bên thứ ba nào khác. Song song đó, cũng cần sắp xếp để một chuyên gia công nghệ thông tin được tham dự phiên tòa trực tuyến để giám sát quá trình tố tụng và cung cấp những hỗ trợ về công nghệ thông tin khi cần thiết. Những cá nhân nào rơi vào trường hợp đang tham gia xét xử tại phiên tòa trực tuyến mà kết nối mạng có chất lượng kém, không ổn định thì có thể đưa ra những bằng chứng đáng tin cậy chẳng hạn như: hình ảnh, clip,… chứng minh tình trạng kết nối mạng của mình và sau đó Tòa án sẽ hỗ trợ giảm thiểu chi phí để họ cài đặt từ nhà mạng (gói cước mạng trong một ngày). Ngoài ra, những trường hợp nào mà không có đủ điều kiện để tham gia xét xử trực tuyến có thể làm đơn từ chối phiên tòa trực tuyến và đề nghị thực hiện xét xử trực tiếp.

Để đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai, trước ngày xét xử, Tòa án sẽ đăng thông báo trên trang điện tử của Tòa án về thời gian xét xử các phiên tòa trừ các trường hợp được phép xét xử kín theo quy định tố tụng; người dân có thể đăng ký tham dự các phiên tòa theo những tài khoản đăng nhập đã được xác nhận trên website với điều kiện là họ phải tuân thủ các quy định của phiên xét xử của phiên tòa trực tuyến. Sau đó, người dân sẽ được Tòa án gửi mật khẩu theo tầng bảo mật thứ hai nhưng những tài khoản này chỉ được cấp quyền xem chứ không được phép thao tác bất kỳ hành động nào.

Thứ tư, cần ban hành cụ thể những quy định có liên quan tới Tòa án điện tử

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã có những quy định đầu tiên về việc số hóa quy trình thực hiện các hoạt động tư pháp được cụ thể hóa tại các điều 190, 191, đề cập đến các cơ chế cho phép các đương sự được thực hiện nộp đơn khởi kiện trực tuyến cùng với quy trình tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện và phản hồi kết quả xử lý thông qua Cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần phải ban hành những quy định rõ ràng và cụ thể hơn về mặt phạm vi áp dụng, quy trình và thủ tục thực hiện; đặc biệt là cơ chế giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra khi Tòa án tiến tới định hướng xây dựng một mô hình toàn vẹn.

 

Phương pháp tiếp cận:

Phương pháp phù hợp nhất sẽ là tiếp cận và mở rộng phạm vi theo từng thời điểm, thực hiện thử nghiệm tại một vài khu vực nào đó và có sự giới hạn đối với lĩnh vực xét xử. Sau một thời gian hợp lý, Chính phủ sẽ tiến hành thống kê và so sánh hiệu suất cũng như tìm ra các ưu điểm và nhược điểm của Tòa án điện tử so với mô hình truyền thống, cuối cùng là tiến hành điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thực tế và chính thức cho triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

–     Giới hạn khu vực địa lý: Lựa chọn hai khu vực đông dân chủ chốt để tiến hành thử nghiệm là: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thực hiện, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm trên 70% giao dịch thương mại điện tử của cả nước, hơn nữa đây là hai thành phố được đánh giá là phát triển nhất Việt Nam vì vậy người dân ở đây sẽ dễ dàng tiếp cận với công nghệ hơn so với các tỉnh, thành phố khác.[4]

–     Giới hạn lĩnh vực xét xử: Ở bước nộp đơn khởi kiện vẫn có thể áp dụng cho tất cả các lĩnh vực nhưng khi tới bước xét xử, Chính phủ nên giới hạn, thử nghiệm trước đối với những tranh chấp có giá trị nhỏ và phù hợp để xét xử trực tuyến như các tranh chấp trong lĩnh vực Thương mại điện tử (TMĐT). Sở dĩ chọn TMĐT vì tính chất đặc trưng của TMĐT là không có sự giao dịch trực tiếp, người bán và người mua chỉ liên hệ với nhau trên mạng Internet. Do đó, nhiều cá nhân đã lợi dụng việc người mua không có điều kiện kiểm tra hàng mà bán hàng giả, hàng kém chất lượng dẫn đến các tranh chấp diễn ra ngày một phổ biến. Ngoài ra, còn có một số tranh chấp khác cũng phù hợp để thử nghiệm chẳng hạn như: Tranh chấp về hợp đồng dịch vụ mạng trong đó hoàn thành việc ký kết và thực hiện các hoạt động trên Internet; Tranh chấp phát sinh do vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tài sản, và các quyền dân sự khác trên Internet. Thông thường, Toà án rất khó có thể giải quyết các tranh chấp phát sinh trên không gian mạng vì những lý do chẳng hạn như: số lượng các khiếu kiện nhiều; giá trị giao dịch lại thấp trong khi chi phí kiện tụng lại cao,… Bởi vậy, sử dụng hình thức xét xử trực tuyến để giải quyết các tranh chấp trực tuyến nên được xem là lựa chọn tối ưu nhất.

 

 

[1] Từ Njcourts.gov.com, nhận từ https://www.njcourts.gov/attorneys/ecourts.html

[2] Kế hoạch 76/KH-BCĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao về việc xây dựng “Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”

[3] Từ Congluan,vn TP. Thủ Đức: Đề xuất xét xử trực tuyến các vụ án hình sự, nhận từ:

https://congluan.vn/tp-thu-duc-de-xuat-xet-xu-truc-tuyen-cac-vu-an-hinh-su-post137924.html

[4]  Từ Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (2020), Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021, nhận từ:

https://drive.google.com/file/d/17vAxGS2Yp81efF3lE6jWRn5_4qLQESbL/view